Thợ lặn dầu khí

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong ngành Dầu khí, một trong những nghề đặc biệt nhất là nghề lặn. Làm thợ lặn đã khó, làm thợ lặn Dầu khí còn khó hơn gấp bội lần… Các anh không chỉ phải lặn sâu đến hàng chục mét dưới đáy biển trong thời gian dài, mà còn phải đeo quanh mình hàng chục kilôgam thiết bị cho các công việc hàn, cắt, lắp ráp… với vô số hiểm nguy rình rập xung quanh.

Ngay sau khi hai miền đất nước thống nhất không lâu, vào ngày 3-9-1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam - tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được thành lập. Vào ngày 7-11-1975, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ Khí đốt đã ký quyết định thành lập Trường Công nhân kỹ thuật Dầu khí có trụ sở đặt tại miền Đông Nam Bộ, nay là Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí.

Tháng 9-1976, trường tuyển sinh khóa đầu gồm 2 lớp Khoan, 1 lớp Cơ khí, 1 lớp Động cơ, 1 lớp Hàn. Trong những ngày đầu thành lập, đến điện nước sinh hoạt cũng còn thiếu thốn thì cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy của trường gần như là con số không. Máy móc cũ kỹ, lạc hậu; tài liệu, giáo trình không có; phòng ốc lớp học không đủ… Tuy vậy, đến năm 1977, Trường tiếp tục mở rộng, tuyển sinh 7 lớp với 6 nghề khoan, hàn, cơ khí, động cơ, điện, lặn sâu.

Đến năm 1978, theo Nghị định Liên Chính phủ được ký kết giữa Việt Nam và Vương quốc Na Uy, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam xây dựng Trường Công nhân kỹ thuật Dầu khí tại Bà Rịa với kinh phí 50 triệu curon. Giai đoạn 1 (1978-1980), trường bắt đầu được xây dựng thêm nhà làm việc, nhà học, hội trường, xưởng thực tập; cung cấp các thiết bị, máy móc cho các xưởng thực tập, lắp đặt giàn khoan, thiết bị lặn sâu, tháp lặn… Giai đoạn 2 (1980-1987), trường tiếp tục được tài trợ các thiết bị bổ sung phục vụ đào tạo thợ lặn và các thiết bị cho các xưởng thực tập như máy phun nước cao áp, hệ thống truyền hình mạch kín, buồng giảm áp…

Từ ngày 24-7-2000, trường có tên giao dịch quốc tế là Petrovietnam Manpower Training College, viết tắt là PVMTC. Suốt hơn 40 năm qua, PVMTC đã thực hiện đào tạo được hơn 150.000 lượt học viên với hơn 150 chương trình đào tạo thuộc các loại hình đào tạo, trở thành một trong những cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật lớn và hiện đại của cả nước. Nghề lặn sâu của PVMTC cũng không ngừng được đầu tư, nâng cao tay nghề kỹ thuật.

Hiện nay, PVMTC là trường duy nhất tại Việt Nam đào tạo lặn sâu 50m, phục vụ cho cả hoạt động dầu khí và hoạt động trong lực lượng hải quân. Trường cũng là nhà cung cấp dịch vụ lặn số 1 Việt Nam, với doanh thu riêng từ dịch vụ này lên tới 300 tỉ đồng/năm.

Từ những học sinh khóa lặn đầu tiên, với những thiết bị đồng bộ và hiện đại được Na Uy viện trợ cùng sự giảng dạy của các chuyên gia Na Uy PVMTC đã tập trung xây dựng Đội Lặn thành một đơn vị mạnh có khả năng thực hiện được những công việc xây lắp, sửa chữa các công trình ngầm phục vụ các đơn vị trong ngành đặc biệt là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Đội Lặn của trường đã trở thành một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực lặn xây lắp, sửa chữa công trình ngầm.

PVMTC đã trở thành đơn vị duy nhất trên cả nước là thành viên của Hiệp hội Lặn Quốc tế, với nhiều chuyên gia có chứng chỉ lặn quốc tế. Gần như mọi nhà thầu ở các lĩnh vực cần lặn như khảo sát, xây lắp, sửa chữa công trình ngầm; khảo sát các tuyến ống dẫn dầu, khí; khảo sát, bảo dưỡng tàu biển; công tác trục vớt, cứu hộ…, khi vào Việt Nam đều “phải” thuê dịch vụ lặn của trường vì không có đơn vị nào làm tốt hơn.

Đến nay, Đội Lặn của PVMTC không chỉ thực hiện công tác dịch vụ kỹ thuật phục vụ cho ngành Dầu khí nói riêng mà còn cho cả đất nước nói chung, như xây lắp, sửa chữa giàn khoan biển; lặn, khảo sát các công trình ngầm, các tuyến ống dẫn dầu, khí; thực hiện trục vớt, cứu nạn; tham gia xây dựng và sửa chữa Nhà giàn DK1 cho Bộ Quốc phòng; Sửa chữa đập nước Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Sửa chữa Nhà máy Điện Thủ Đức… Người công nhân được PVMTC đào tạo có thể lặn sâu dưới nước, có thể làm mọi việc, hàn cắt như ở trên bờ. Trước đây, trường áp dụng bậc thợ từ 1 đến 4 để đánh giá tay nghề, nhưng nay người được xếp hạng cao nhất là giám thị lặn.

Trong chuyến thăm trường vừa qua, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu kỹ hơn về công tác đào tạo nghề lặn sâu - cái nghề được xem là “áp lực” nhất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Công tác lặn và kỹ thuật ngầm là một chuyên ngành mang tính đặc thù cao, rất nguy hiểm và độc hại. Chính vì thế mà ở nước ta nói chung và trong ngành Dầu khí nói riêng, mức độ phát triển còn rất thấp cả về quy mô lẫn trình độ công nghệ và kinh nghiệm thực tế so với thế giới. Nói về nguy hiểm và độc hại của người thợ lặn thì nhiều, song nguy hiểm nhất là người thợ lặn làm việc trong môi trường áp suất rất cao dưới đáy biển.

Đó cũng chính là lý do điều quan trọng đầu tiên đối với một người thợ lặn là phải có sức khỏe. Tại PVMTC, quy trình tuyển một thợ lặn nước sâu có độ khó tương đương với tuyển phi công và rất bài bản.

05102017tholan1.jpg

Thầy Đào Mạnh Tường, Phó trưởng phòng Dịch vụ Công trình ngầm của PVMTC cho biết, trong thông báo tuyển sinh được công bố rộng rãi trên cả nước thì yêu cầu đầu tiên đối với các thí sinh là phải có giấy khám sức khỏe sơ bộ. Tiếp đó, trường sẽ thành lập Hội đồng kiểm tra sức khỏe của thí sinh theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra. Thí sinh sẽ phải trải qua mọi bài kiểm tra, trong đó có một phần kiểm tra đặc biệt để đo điện tim gắng sức, đó là thí sinh được đưa vào phòng đạp xe và phải đạp bằng 100% thể lực. Lúc này cơ thể của thí sinh sẽ bộc lộ hết ưu khuyết điểm của tim, não, phổi… cho thấy người đó có đủ sức đảm đương công việc dưới đáy biển hay không.

Thông thường, chỉ cần ở độ sâu 10m thôi áp lực nước đã có thể lấy đi mạng người, nhưng người thợ lặn chuyên nghiệp của PVMTC có thể xuống nước và làm việc tại môi trường có độ sâu tới 75m. Đó là lý do mỗi đợt tuyển tuy quy mô như vậy nhưng nhà trường chỉ chọn được khoảng 20 thí sinh đạt chuẩn. Sau đó là quá trình đào tạo kéo dài vài năm, không chỉ lặn mà người thợ còn phải biết nhiều nghề khác.

Nếu trên bờ, mỗi người thợ chỉ thực hiện một công việc nhất định theo từng chuyên ngành thì người thợ lặn làm việc trong các công trình ngầm dầu khí là những người “thợ tổng hợp”. Nếu một anh thợ lặn trong ngành Dầu khí mà chỉ biết lặn thì dù có lặn giỏi đến mấy, anh ta cũng không làm được gì. Lặn giỏi chưa đủ, người thợ lặn dầu khí còn phải biết nhiều ngành nghề khác như hàn cắt, móc cáp treo hàng, lắp ráp xây dựng, vận hành máy móc thiết bị như máy cưa, mài, đào đất, cạo rỉ, phun cát làm sạch bề mặt kim loại… mà tất cả những ngành nghề ấy, người thợ lặn phải được học một một cách bài bản và được cấp chứng chỉ riêng.

Tất nhiên, ở độ sâu vài chục mét dưới đáy biển thì người ta không thể sử dụng được các loại máy móc thiết bị chuyên hàn, cắt trên bờ mà phải sử dụng những thiết bị chuyên dụng đặc biệt khác. Ví dụ như đối với công tác cắt kim loại dưới biển thì ngoài que hàn chuyên dụng, người thợ phải được trang bị thêm ống dây dẫn ôxy cùng với dây điện. Trước đây đội lặn của trường sử dụng công nghệ hàn trong môi trường nước nhưng hiệu quả không cao về mặt kỹ thuật, mũi hàn nguội nhanh, dễ nứt nên đã triển khai hàn khô, tức là hàn dưới nước trong môi trường không khí.

Để làm được việc này người ta đưa một cái chuông xuống đáy biển nơi có công trình ngầm cần sửa chữa. Gọi là cái chuông nhưng thực tế đây giống như một căn buồng hình trụ được chế tạo riêng phù hợp với từng đầu việc, có thể tích lớn đủ cho hai người thợ làm việc bên trong. Chuông được đưa vào vị trí thích hợp sau đó bơm nước ra ngoài rồi người thợ mới tiến hành hàn trong môi trường khô ráo. Điện được đưa xuống nước để vận hành các thiết bị máy móc qua một loại dây dẫn điện kín nước và tất nhiên là điện thế thấp (nhỏ hơn 70V) để tránh xảy ra sự cố điện giật cho thợ lặn.

Công việc của người thợ lặn dưới biển rất đa dạng, như lắp ráp các đường ống ngầm, đấu nối giữa các đoạn ống với nhau, gia cố các đường ống với chân đế giàn khoan, hỗ trợ trong công tác xây lắp các chân đế giàn khoan như bơm trám xi măng ở các cọc đóng xuống đáy biển, khắc phục các sự cố bất thường có thể xảy ra; lắp ráp các trạm thu gom dầu thô ngoài biển… Tất cả những công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và sáng tạo mà không một thiết bị máy móc hay người máy thông minh nào có thể thay thế được.

Tham quan khu vực tháp lặn, chúng tôi gặp anh Bùi Văn Xuân, một trong những thợ lặn kỳ cựu có thâm niên 30 năm và hiện đang đảm nhiệm vai trò giám thị lặn ở PVMTC. Anh Xuân đang hướng dẫn học viên các thao tác thực hiện bài kiểm tra trình độ trong môi trường đáy biển giả định. Tại buồng điều khiển, người giám thị vốn đã có kinh nghiệm dày dặn về nghề lặn có thể thấy rõ các hình ảnh truyền về từ bên trong tháp lặn qua camera và nghe rất rõ từng hơi thở của người thợ đang làm việc, để có thể ra các mệnh lệnh hợp lý, chính xác.

Qua màn hình, chúng tôi có thể quan sát được các học viên được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại nhất. Khi lặn xuống độ sâu hàng chục mét dưới biển thì không thể thiếu những thiết bị hỗ trợ chuyên dùng. Trước tiên là dây truyền sinh, tức là khí bề mặt được cung cấp cho người thợ lặn từ trên tàu thông qua ống dẫn, đồng thời là đường truyền điện kiêm kết nối các thiết bị khác như camera giám sát. Kế đến là đồng hồ đo độ sâu, một thiết bị đặc biệt quan trọng đối với người thợ lặn, vì nó giúp họ xác định được chính xác các trạm dừng để giảm áp. Ngoài ra còn có quần áo cao su để giữ thân nhiệt cho người thợ lặn và bình ôxy nhỏ mang theo bên mình để thợ lặn thở khi quay lên mặt nước trong trường hợp dây truyền sinh gặp sự cố không hoạt động được.

05102017tholan2.jpg

Mỗi kíp lặn luôn luôn phải có hai người: một thợ chính (thợ cả) và một thợ phụ tá (thợ 2) làm việc dưới biển. Lý do phải có hai người là để cảnh giới và hỗ trợ lẫn nhau nếu có gặp sự cố. Khi có khối lượng lớn công việc buộc phải làm việc ngày đêm, lực lượng hỗ trợ kíp lặn có thể lên đến 22-23 người. Cơ bản nhất là phải có một thợ lặn khẩn cấp túc trực trên tàu để sẵn sàng ứng cứu cho 2 người đang làm việc dưới đáy biển. Ngoài ra phải có tối thiểu 3 người điều khiển dây truyền sinh; bác sĩ, thợ máy; một giám thị lặn trực trong container. Người hỗ trợ trên tàu còn phải đảm bảo an toàn cho thợ lặn về hệ thống cung cấp khí trong quá trình lặn. Trong đó, công tác đặc biệt nhất có thể kể đến là của người bác sĩ kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho người thợ lặn trước và sau mỗi cuộc lặn trong mỗi ngày làm việc ngoài biển.Toàn bộ các thông số sức khỏe sẽ được lưu thành một tập tài liệu trong một chuyến đi biển.

Anh Xuân chia sẻ, nếu xét tới khối lượng công việc thì cả một đội thợ làm việc dưới biển chỉ bằng một thợ chính và một thợ phụ tá làm việc trên bờ, do đó chi phí rất lớn. Một chuyến tàu chở thợ lặn ra khơi nếu để đào tạo thì riêng thiết bị mang theo đã khoảng 2 container, nếu để làm việc thực sự thì mang 3-4 container, tùy theo yêu cầu công việc. Đôi khi có những van nằm sâu dưới nước, phải quay gần 500 vòng mới mở được nhưng lại phải quay bằng tay, trong khi điểm tựa của người đang bơi hoàn toàn không có, các anh buộc phải làm nhiều lần, thay nhau lặn xuống xoay được 2, 3 vòng lại đổi ca, có khi mất cả ngày đêm mới xong việc.

Sau mỗi lần làm việc trong môi trường nước sâu, người thợ lặn buộc phải nghỉ 24 giờ; định kỳ khám sức khỏe 6 tháng một lần về bệnh nghề nghiệp, chủ yếu là kiểm tra bệnh giảm áp. Đây là bệnh đặc trưng của thợ lặn, có thể gây tử vong hoặc hủy hoại sức lao động nếu làm việc không đúng phương pháp hoặc không được cứu chữa kịp thời.

Khi lặn xuống độ sâu 50-60m dưới đáy biển, người thợ lặn phải thở bằng một loại khí đặc biệt gọi là không khí nén. Thợ lặn càng xuống sâu thì áp lực của không khí thở phải tương đương với áp suất của môi trường, vì thế mà trong thành phần không khí thở lúc này tồn tại một chất khí đặc biệt là khí nitơ.

05102017tholan3.jpg

Sinh viên PVMTC thực hành công tác cứu hộ
Nitơ bình thường không tác động gì với cơ thể con người, nhưng khi người thợ đang ở dưới độ sâu 50-60m mà bơi thẳng lên mặt nước, bọt khí nitơ trong máu dù đường kính chỉ nhỏ bằng 1/100mm, nếu không có thời gian đào thải khỏi cơ thể thì khi lên đến mặt nước, thể tích khí này sẽ tăng lên gấp 100 lần, gây tắc nghẽn mạch máu. Nếu bệnh nhẹ sẽ thể hiện ở các triệu chứng đau nhức cơ, xương khớp; nếu bệnh trở nặng có thể dẫn đến liệt cả một phần cơ thể.

Chính vì thế, người thợ khi đã lặn xuống độ sâu 50m nước thì quá trình đi lên không đơn giản là chỉ trồi lên một lượt mà phải thực hiện một quá trình đặc biệt, gọi là quá trình giảm áp tại các trạm giảm áp ở các độ sâu khác nhau. Tại PVMTC, người thợ lặn phải tuân thủ nghiêm ngặt quá trình này để có thể tống hết khí nitơ trong máu ra ngoài. Ví dụ, nếu thời gian làm việc dưới nước là 25 phút ở độ sâu 50m thì khi đi lên người thợ lặn phải dừng lại ở 3 trạm dừng giảm áp lần lượt là 9m, 6m và 3m so với bề mặt và với tổng thời gian phải dừng là 40 phút. Nói là trạm giảm áp nhưng thật ra đó là bất kỳ nơi nào mà người thợ lặn dừng lại, ở độ sâu xác định bởi đồng hồ đo độ sâu đeo trên tay.

Nếu người thợ lặn thực hiện đúng, đầy đủ quy trình giảm áp thì họ sẽ lên bề mặt an toàn, khi ấy chỉ cần nằm nghỉ ngơi một giờ là có thể hoạt động sinh hoạt bình thường. Thế nhưng, có những tác động ngoại cảnh luôn rình rập dưới lòng biển gây cản trở quá trình giảm áp.

Suốt 30 năm trong nghề lặn, anh Xuân tự hào chưa bao giờ gặp phải bất kỳ sự cố hay mắc phải chứng bệnh giảm áp thường thấy. Tuy nhiên, chứng kiến những trường hợp như vậy thì anh lại gặp nhiều. Đa số họ đều là những ngư dân sinh sống nhờ biển cả, kinh nghiệm lặn biển chỉ gói gọn trong những bài học dân gian “cha truyền con nối” mà ít có những kiến thức chuyên sâu. Vì vậy, nhà trường vẫn thường tiếp nhận chữa trị cho những ca bệnh bên ngoài, đồng thời thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo hướng dẫn phương pháp lặn an toàn cho ngư dân trên khắp địa bàn cả nước.

Khác với những ngành nghề khác, quy định tuổi về hưu của nghề khoảng 45 tuổi vì yếu tố đặc thù và nguy hiểm. Song, với sức khỏe dẻo dai, kinh nghiệm dạn dày và hơn hết là lòng yêu nghề, anh Xuân tuy đã ngoài 50 nhưng vẫn gắn bó với công việc. Hiện tại anh chỉ còn có thể lặn ở độ sâu dưới 20m, bởi sự mai một sức khỏe của nghề lặn là rất nhanh. Cũng theo chia sẻ của anh, hiếm có ai lặn được đến tuổi hưu, mà thường là nghỉ hoặc chuyển nghề khác, bởi khi làm việc dưới đáy biển, tất cả đều phụ thuộc vào thể lực và sự may mắn, những điều vốn dĩ rất đỗi hữu hạn, vô chừng.

Nguyên Phương
PVN​
 

Việc làm nổi bật

Top