“Thảm họa” với dầu khí thế giới?

Thảo luận trong 'Quốc tế' bắt đầu bởi Connect Unlimited, 5/5/16.

  1. Connect Unlimited
    Offline

    Connect Unlimited Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    1,478
    Đã được thích:
    19
    Điểm thành tích:
    38
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Vung Tau
    Để chống chọi với bão giá dầu kéo dài gần 2 năm qua, hiếm có công ty dầu khí nào trên thế giới, từ cỡ “đại gia” cho đến “tiểu gia”, dù chuyên hoạt động trong khâu thượng nguồn hay chuyên cung cấp các dịch vụ dầu khí không phải làm một việc “cực chẳng đã” - đó là sa thải nhân sự một cách ồ ạt.

    Theo phân tích của Công ty Tư vấn Graves & Co, đã có 258.000 người trên toàn cầu bị mất việc làm do ảnh hưởng giá dầu suy giảm. Điều này diễn ra như một logic tự nhiên, bởi giá dầu tụt dốc làm lợi nhuận của các công ty dầu khí giảm, buộc họ phải thu hẹp sản xuất, “thắt lưng buộc bụng”, dừng/giãn dự án, giảm lương nhân viên và bước cuối cùng là sa thải lao động.

    Dự báo, làn sóng cắt giảm việc làm và phá sản trong ngành Dầu khí thế giới năm 2016 này sẽ còn tiếp diễn.

    Bài viết dưới đây sẽ nêu vắn tắt tình cảnh khó khăn bất đắc dĩ đó của một số công ty dầu khí trên thế giới và khu vực.

    Shell (Anh - Hà Lan)

    Đã 2 tháng kể từ khi hoàn tất mua lại BG Group (Anh) với giá hơn 50 tỉ USD trong một thương vụ bị đánh giá là “dại dột”, Hãng dầu Hoàng gia Hà Lan Shell giờ vẫn đang tiếp tục chật vật thực hiện kế hoạch cắt giảm hơn 10.000 việc làm trên toàn thế giới trong giai đoạn 2015-2016, tương đương với 10% lực lượng lao động của hãng, sau khi lợi nhuận ròng bị sụt giảm 87% do giá dầu thấp.

    Trước đó, hồi tháng 2-2016, Shell đã xác nhận sẽ cắt giảm 7.500 việc làm trong các đơn vị và nhà thầu trực tiếp của Shell trên toàn thế giới như là một phần phản ứng của hãng với sự sụt giảm của giá dầu và khí đốt, đồng thời cắt giảm thêm 2.800 nhân sự cũ của BG Group sau khi sáp nhập. Kế hoạch sa thải nhân sự sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2016.

    Shell báo cáo lợi nhuận sau thuế là 1,94 tỉ USD trong năm 2015 - thấp nhất của công ty trong ít nhất 13 năm qua, đồng thời con số này cũng quá ư thê thảm so với gần 15 tỉ lợi nhuận sau thuế của hãng trong năm trước đó. Tập đoàn này cũng cảnh báo rằng, lợi nhuận quý IV/2016 dự kiến sẽ ở mức 1,6-1,9 tỉ USD, thấp hơn 40% so với năm trước.

    [​IMG]
    Chevron (Mỹ)

    Tập đoàn năng lượng lớn thứ 2 của Mỹ này đã công bố kế hoạch cắt giảm lực lượng lao động ở khâu thượng nguồn lên đến 4.000 người trong năm 2016. Trước đó, cuối năm ngoái, Giám đốc điều hành (CEO) của Chevron - ông John Watson cho biết, tập đoàn này đã sa thải 3.200 nhân sự từ cuối năm 2014 đến cuối năm 2015.

    Đầu tháng 3-2016, Chevron đã thông báo cắt giảm hơn nữa kế hoạch chi tiêu vốn và thăm dò so với các kế hoạch đặt ra trong tháng 12 năm ngoái, nhằm bảo tồn tiền mặt và hạn chế vay nợ trong bối cảnh giá dầu suy giảm. Giới chuyên gia cho rằng, động thái này báo hiệu Chevron sẽ có một sự thay đổi chiến lược: Rút chân ra khỏi các siêu dự án là động lực cho tăng trưởng và hướng đến các dự án phát triển quy mô nhỏ hơn, bao gồm các dự án dầu khí đá phiến ở Mỹ, Canada và Argentina.

    Chi tiêu vốn và cổ tức chi trả của Chevron đã vượt xa dòng tiền phát sinh từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong những năm gần đây, với kết quả là các khoản nợ đã tăng lên mạnh. Nợ ròng tăng gần gấp đôi năm ngoái, từ 14,6 tỉ USD lên đến 27,3 tỉ USD.

    Trong giai đoạn 2017-2018, chi tiêu vốn và thăm dò của Chevron dự kiến sẽ vào khoảng từ 17-22 tỉ USD mỗi năm, thấp hơn so với kế hoạch từ 20-24 tỉ mỗi năm đã đặt ra vào tháng 12 năm ngoái. Con số này thấp hơn một nửa so với 39,8 tỉ USD của năm 2014.

    BP (Anh)

    Có lẽ không có “đại gia” dầu khí nào thê thảm hơn “gã khổng lồ” BP của Anh, vì không chỉ bị thiệt hại do giá dầu giảm, BP còn phải “vật vã” chi trả các khoản tiền phạt, tiền phí lớn chưa từng có trong lịch sử vì sự cố nổ giàn khoan Deepwater Horizon gây tràn dầu năm 2010 trên Vịnh Mexico. Mãi đến tháng 10-2015, các phiên tòa dai dẳng liên quan đến sự cố này mới kết thúc với án phạt mà bên bị (BP) chấp nhập chịu là 20,8 tỉ USD. Ngoài ra, BP còn phải thanh toán 5,5 tỉ USD cho các hình phạt liên quan đến Đạo luật nước sạch của liên bang. Đồng thời, bên cạnh các khoản nộp phạt, BP còn mất 28 tỉ USD cho công tác dọn dẹp và đền bù sau sự cố tràn dầu.

    Hồi tháng 1-2016, BP cho biết sẽ cắt giảm 4.000 việc làm trên toàn cầu và 600 trong số đó sẽ là từ khu vực sản xuất kinh doanh tại Biển Bắc, để đối phó với các khó khăn tài chính của hãng. BP cũng cho hay, tất cả các việc làm bị cắt giảm thuộc lĩnh vực thăm dò và khoan dầu.

    Petromex (Mexico)


    Tháng 1-2016, Petromex - công ty dầu khí quốc doanh của Mexico sau một thời gian chống chọi với khủng hoảng giá dầu với lời hứa bảo vệ nhân viên, đã phải buộc lòng tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 10.533 việc làm trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức, hoạt động phù hợp với ngân sách ngày càng bị “co” lại. Việc sa thải nhân công này đi kèm với sự sụt giảm trong đầu tư và gia tăng nợ nần đáng kể, cũng như hoạt động thiếu hiệu quả của Pemex.

    Tổng số cán bộ, công nhân viên của Pemex hiện tại là 142.976, ít hơn 10.109 người so với 153.058 lao động mà công ty dầu khí của Mexico có vào cuối tháng 12-2014.

    Tờ La Jornada lưu ý, số lượng nhân sự bị sa thải trên mới là theo đề xuất của Pemex và mới chiếm 66,5% tổng số nhân sự Pemex bị cắt giảm theo chương trình cắt giảm nhân sự của Chính phủ Mexico. Khả năng trong năm nay, Pemex sẽ tiếp tục sa thải thêm nhân viên.

    Petrobras (Brazil)

    Tập đoàn Dầu khí quốc doanh Petrobras của Brazil đã công bố lỗ ròng 36,9 tỉ reais (tương đương 10,2 tỉ USD) trong quý IV/2015. Mức lỗ này cao hơn dự báo của giới phân tích, đồng thời cũng là mức lỗ hằng quý cao kỷ lục của Petrobas. So với cùng kỳ năm 2014, con số lỗ ròng của Petrobas trong quý IV/2015 tăng 48%. Cùng với đó, Petrobras cũng tuyên bố đánh tụt giá trị nhiều tài sản, trong đó có một loạt mỏ dầu. Trong 3 quý đầu năm 2015, Petrobas làm ăn có lãi. Tuy nhiên, với khoản lỗ “khủng” của quý IV đã khiến tập đoàn này làm ăn thua lỗ trong năm qua. Tính cả năm, Petrobras thua lỗ 34,8 tỉ reais.

    Giám đốc điều hành của Petrobras - Almir Bendine cho biết, 2016 sẽ là năm thứ hai liên tiếp tập đoàn này không trả cổ tức cho Chính phủ Brazil và các cổ đông khác. Petrobras cũng có kế hoạch không thưởng cho nhân viên. Ngoài ra, trong 5 năm tới, tập đoàn dự định sẽ cắt giảm 12.000 việc làm.

    Kết quả làm ăn bết bát, cộng với bê bối tham nhũng bị “phanh phui” từ tháng 3-2014 của Petrobras được xem là một “điềm báo” đáng ngại cho nền kinh tế Brazil và sinh mạng chính trị của nữ Tổng thống nước này, bà Dilma Rousseff.

    Halliburton, Schlumberger và Baker Hughes

    Dưới áp lực sụt giảm giá dầu kéo dài, nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu hàng đầu thế giới Halliburton tháng 2-2016 đã phải tuyên bố sẽ cắt giảm 8% lực lượng lao động, tương đương với 5.000 việc làm.

    Kể từ năm 2014, Halliburton đã cắt giảm 25% số lượng nhân viên trên toàn cầu của mình, tương đương với gần 22.000 người.

    Tính đến cuối năm 2015, công ty chỉ còn khoảng 65.000 nhân viên trên toàn thế giới, trong khi tại thời điểm ngày 31-12-2014, số lượng nhân viên trong báo cáo của công ty là hơn 80.000 người.

    Đối thủ “sừng sỏ” của Halliburton là Công ty Schlumberger cũng đã cắt giảm 25.000 việc làm chỉ riêng trong năm 2015, tương đương với 20% lực lượng lao động trên toàn cầu của hãng. Ngay cả CEO của Schlumberger là ông Paal Kibsgaard cũng bị sa thải, sau khi báo cáo kết quả doanh thu giảm 27% và lợi nhuận giảm 41%.

    Baker Hughes - một công ty dịch vụ dầu khí khác đang nằm trong tầm ngắm thâu tóm của Halliburton cũng công bố sẽ sa thải 7.000 nhân công, tương đương với 11% lực lượng lao động của hãng trên toàn cầu. Dự kiến, số nhân công bị cắt giảm làm việc trong các phân đoạn ít hoặc không tạo ra lợi nhuận.

    Việc các công ty dịch vụ dầu khí như Halliburton, Schlumberger và Baker Hughes - vốn không sở hữu trữ lượng dầu khí, mà chỉ cung cấp công cụ, dịch vụ và kiến thức chuyên môn để khoan dầu, cũng làm ăn sa sút và phải sa thải nhân sự khi giá dầu xuống thấp là điều dễ hiểu, bởi khi giá dầu giảm, các khách hàng của họ - các công ty dầu khí hoạt động trong lĩnh vực thượng nguồn cũng sẽ giảm chi tiêu và dừng/giãn các dự án khoan. Halliburton cho biết, các khách hàng Mỹ của họ sẽ chi tiêu ít hơn khoảng 50% vào năm 2016 so với năm ngoái.

    Nhiều công ty dịch vụ dầu nhỏ hơn bây giờ cũng đang căng thẳng về tài chính. Ít nhất 44 công ty đã nộp đơn xin phá sản kể từ cuối năm 2014, theo Công ty Luật Haynes & Boone.

    Petronas (Malaysia)

    Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia Petronas vừa tuyên bố một loạt điều chỉnh về nhân sự cấp cao và sa thải công nhân viên nhằm tiết kiệm chi phí trong bối cảnh giá dầu thế giới trải qua đợt sụt giảm tồi tệ. Thông cáo đầu tháng 3-2016 của Petronas nói rằng, cấu trúc mới của tập đoàn sẽ dẫn tới việc 1.000 công nhân phải “ra đi”. Tuy nhiên, tuyên bố không nói rõ các vị trí bị ảnh hưởng.

    Tính đến cuối năm 2014, tập đoàn đóng góp 1/3 ngân sách cho Malaysia này có khoảng 51.000 công nhân viên.

    Trước đó, “đại gia” dầu khí khu vực Đông Nam Á đã báo lỗ quý thứ 5 liên tiếp vào ngày 29-2. Tập đoàn này cảnh báo có thể vay nợ thêm và sử dụng đến dự trữ tiền mặt để có vốn đầu tư cơ bản và trả cổ tức cho chính phủ.

    Theo dự kiến, Petronas sẽ giảm vốn đầu tư cơ bản và chi phí hoạt động tới 20 tỉ Ringgit, tương đương 4,8 tỉ USD trong năm 2016. Đây là một phần trong kế hoạch giảm 50 tỉ Ringgit vốn đầu tư và chi phí của Petronas trong vòng 4 năm.

    Pertamina (Indonesia)

    Hồi tháng 2-2016, do chi phí khai thác ở một số dự án của Pertamina như Pertamina West Madura Onshore và Pertamina Offshore North West Java cao hơn giá dầu ở thời điểm đó (khoảng 27USD/thùng), nên tập đoàn dầu khí quốc doanh của Indonesia đã phải tính đến giải pháp cắt giảm chi phí nhân công bằng cách sa thải lao động hoặc giảm lương, đồng thời điều chỉnh lại các chính sách liên quan đến tiền thưởng, cũng như tăng lương hằng năm.

    Ngoài ra, Giám đốc điều hành Pertamina Dwi Sucipto còn đề cập đến kế hoạch tiến hành “trợ cấp chéo”, tức dùng lợi nhuận từ các đơn vị hạ nguồn vốn ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu, thậm chí còn làm ăn có lãi để “bù”, hỗ trợ chi phí cho các đơn vị thượng nguồn.

    Linh Phương
    Nguồn:Năng lượng Mới 518+519​
     

Chia sẻ trang này